Bước chuyển mình to lớn của Việt
Nam thời kỳ Đổi Mới đã được tái hiện rất chân thực qua loạt ảnh chụp
năm 1988 của phóng viên ảnh nổi tiếng Philip Jones Griffiths.
Đây là thời điểm mà công cuộc Đổi Mới
đã tiến hành được 2 năm, diện mạo nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển
hướng rõ rệt từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang mô hình kinh tế
thị trường có sự điều tiết của nhà nước...
Bà Lê Thị Thu Nguyệt, giám đốc của Cửa
hàng thực phẩm quân Tân Bình (TP HCM) đang trưng ra các sản phẩm bún tàu
(miến), một trong những mặt hàng bán chạy nhất do cơ sở của bà sản
xuất, trong đó có loại miến đóng gói với nhãn xanh phục vụ xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hàm (đứng giữa) là giám
đốc của GINIMEX, một công ty chuyên rằng xuất khẩu thủy hải sản, cà phê
và hương liệu cho Hongkong, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan. Các cổ đông
của công ty được trả lãi suất 10% mỗi tháng trên vốn đầu tư của mình,
trong đó có ông Bùi Hữu Nhân (ngồi bên phải), người từng là một cán bộ
cao cấp trong Chính phủ cách mạng lâm thời ở miền Nam Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Tòng, sinh năm 1918, là
một người trồng cây thuốc lá. Ông đã làm nông dân suốt 40 năm, trừ giai
đoạn phục vụ trong lực lượng Việt Minh và 4 năm bị cầm tù trên Côn Đảo.
Do thành tích lao động, ông được thưởng một bộ giàn hi-fi hoành tráng
của Nhật Bản, có giá trị rất lớn vào thời điểm đó.
Tổng công ty Cơ khí Đồng Tâm ở Quận Gò
Vấp, TP HCM có khả năng sản xuất 40 loại phụ kiện khác nhau của các
thiết bị nông nghiệp. Cơ sở này được thành lập năm 1976 với 22 lao động,
mức vốn đầu tư là 100 đồng. Đội ngũ quản lý gồm bảy người, bao gồm cả
giám đốc - ông Nguyễn Nam Hùng - được bầu lên bởi các công nhân.
Ông Nguyễn Văn Mười Hai, lãnh đạo của
Nhà máy nước hoa Thanh Hương cùng các nhân viên hào hứng khoe thành quả
của mình. Sản phẩm bán chạy nhất của họ là một loại nước hoa có tên
Charlie.
Một người công nhân nằm nghỉ trên các
bao tại gạo tại một nhà kho ở TP HCM. Khoán 10 được thực hiện từ năm
1988 đã cởi trói cho nền nông nghiệp, biến Việt Nam từ một nước thiếu
lương thực thành nước xuất khẩu gạo lớn kể từ năm 1989.
Vẻ mặt phấn khởi của các công nhân bốc gác tại một nhà kho chịu trách nhiệm phân phối gạo trong TP HCM.
Ông Nguyễn Văn Thành, phó giám đốc nhà
máy Thực phẩm đông lạnh số 1 cầm trên tay một con tôm càng dài 30cm. Đây
là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhà máy, thu hút sự quan tâm của
nhiều đối tác nước ngoài.
Ông Lê Công Thân, giám đốc nhà máy sản
xuất đèn pin MESCO (TP HCM) cầm trên tay chiếc đèn pin bóp tay, một sản
phẩm của nhà máy. Ông bày tỏ sự tự hào vì sản phẩm của mình bán khá chạy
tại Cuba và một số nước khác, nơi pin là một mặt hàng khan hiếm. Nhà
máy của ông là một cơ sở sản xuất kinh doanh điển hình tiên tiến, từng
được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm.
Khung cảnh trong phân xưởng của nhà máy
Thực phẩm đông lạnh số 1, nơi chế biển các sản phẩm hải sản xuất khẩu
với quy mô 3.300 công nhân. Vào năm 1987, nhà máy đã bán được 2.400 tấn
cá cho Nhật Bản và Australia, tổng giá trị 21 triệu USD.
Công nhân tại một nhà máy dệt may ở TP
HCM. May mặc được xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực
của Việt Nam từ thời kỳ Đổi Mới.
Ông Nguyễn Văn Gòn, giám đốc một nhà máy
sản xuất mỳ xuất khẩu của nhà nước đóng tại quân Tân Bình, TP HCM, đang
cầm trên tay một số sản phẩm được phơi khô bằng ánh nắng mặt trời.
Khoảng 1 tấn rưỡi mỳ được chuẩn bị từ đêm và phơi trong khoảng 4 tiếng
ban ngày vào mùa khô.
Những chiếc quạt cây nhập ngoại được bày
bán tại các cửa hàng và dần dần trở thành vật dụng phổ biến, xóa bỏ sự
thống trị của thế hệ quạt con cóc, quạt tai voi được “xách” về từ Liên
Xô.
Thực phẩm ngoại được nhập khẩu và xuất
hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng. Trước đó phần lớn những mặt hàng
kiểu này được đưa vào Việt Nam dưới dạng “bưu kiện thực phẩm” gửi người
thân, từ đó phân phối tới các quầy hàng vỉa hè.
Một nhóm người buôn bán đang đếm đống tiền lẻ của mình. Tốc độ lạm phát ở Việt Nam đã tăng rất nhanh trong giai đoạn Đổi Mới.
Cảng Sài Gòn lúc bình minh. Các hoạt động
tại cảng đã tấp nập hơn rất nhiều sau khi nền kinh tế Việt nam được mở
cửa với thế giới.
Theo KIẾN THỨC