Quái vật trên không
Đó là quang cảnh buổi tiễn đưa diễn ra vào ngày 3/5/1937, khi khí cầu Hindenburg bắt đầu thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương từ Frankfurt (Đức) đến New York (Mỹ). Đây là quả khí cầu lớn nhất thế giới, một sáng tạo tuyệt vời của bàn tay con người, mang tên vị tổng thống của Đế chế thứ ba (Đức Quốc xã). Các báo Đức đồng loạt viết: “Phép lạ của Đức sẽ khiến Tân thế giới phải ngạc nhiên! Khí cầu khổng lồ đã chinh phục châu Âu và chắc chắn sẽ chinh phục nước Mỹ. Bầu trời thuộc về chúng ta!”.
Công ty Zeppelin của nhà tư bản Ernst Lehmann đã hoàn toàn tin chắc vào thành công của Hindenburg, được thiết kế và chế tạo cho các chuyến bay chở khách xuyên Đại Tây Dương. Chính công ty này từng chế tạo loại khí cầu Colossal được quân đội Đức sử dụng để ném bom hoặc do thám trên không trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Với những thành tựu của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, Hindenburg khác xa so với các khinh khí cầu được sản xuất vào năm 1915. Khí cầu này có chiều dài 245m; đường kính chỗ rộng nhất 41,2m, sử dụng 200.000m3 khí hydro làm sức nâng, được trang bị 4 động cơ diesel hiệu Daimler, mỗi động cơ có công suất tối đa 1.200 sức ngựa. Với sức nâng 100 tấn, Hindenburg có thể đạt vận tốc tối đa khi lặng gió - 135km/h (150km/h nếu xuôi gió). Phi hành đoàn gồm 55 người. 25 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi được thiết kế dành cho 50 hành khách. Nhà hàng với các món ăn hạng nhất. Phòng sinh hoạt chung có cửa sổ rộng để nhìn bao quát toàn cảnh bên dưới. Vì khí cầu được nâng bởi 16 bình hydro nên mọi thứ trên tàu đều được điện hóa để bảo đảm an toàn cháy nổ. Không có bất cứ nguy cơ nào - tất cả mọi thứ được tính toán kỹ đến từng chi tiết!
Hindenburg bắt đầu thực hiện các chuyến bay chở khách từ tháng 5/1936. Một chuyến bay sang Mỹ và một chuyến đến Brazil đã diễn ra an toàn. Ấn tượng của những người may mắn được bay trên khí cầu này được đưa lên báo chí. Tất cả đều dành những lời khen ngợi tốt đẹp nhất cho khí cầu cũng như cho đội bay được đào tạo quy củ, có tác phong chuyên nghiệp và rất có tinh thần trách nhiệm.
Chuyến bay Franfurt - New York lần này cũng hứa hẹn rất nhiều ấn tượng khó quên. 42 hành khách từ lâu đã bàn luận về chuyến bay sắp tới, dự đoán niềm vui được bay bổng trong không khí chuẩn bị sẵn tâm thế để nhìn thế giới về đêm và vào ban ngày, dưới ánh nắng mặt trời. Hẳn sẽ là những cảnh tượng không thể nào quên. Quả thực, cỗ máy cất lên nhẹ nhàng, êm ái đến nỗi hành khách hầu như không nhận thấy điều đó. Rồi những ánh đèn thành phố nhanh chóng lùi xa. Những cảnh tượng tuyệt vời từ độ cao 150-300m đang chờ đợi ở phía trước: các thành phố của châu Âu, sau đó là Đại Tây Dương, rồi Boston và cuối cùng là New York.
Trong cabin chỉ huy là Max Prous, một phi công giàu kinh nghiệm, cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất, từng điều khiển nhiều khí cầu của Zeppelin. Nhiệm vụ của ông là kiểm soát toàn bộ quá trình bay, trong đó quan trọng nhất là tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bay theo phương nằm ngang. Với góc nghiêng rất nhỏ (chỉ hai độ thôi) là chai rượu đắt tiền có thể rơi khỏi bàn và các đầu bếp không thể nào nấu nướng gì được.
Trong cabin chính là Ernst Lehmann, giám đốc Công ty Zeppelin chuyên chế tạo khí cầu ở Đức và đảm nhận phục vụ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của khinh khí cầu. Công ty lúc đó đang ăn nên làm ra; vé cho các chuyến bay thường được đặt trước có khi hàng năm.
Cháy vèo trong... 4 phút
Hindenburg long trọng khởi hành từ Đức, vượt Đại Tây Dương và sau ba ngày bay thì xuất hiện trên bầu trời New York. Trong suốt thời gian này không hề xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, khi bay trên đảo Newfoundland, Max Prous cho hạ độ cao một ít so với dự kiến. Ông muốn cho hành khách được chiêm ngưỡng các tảng băng sáng trắng chói lọi dưới ánh mặt trời. Đó là một cảnh tượng đáng kinh ngạc: chưa có ai nhìn thấy hòn đảo này từ trên cao khi nó bị băng tuyết bao phủ.
Hindenburg đến New York vào ngày 6/5. “Điếu xì gà” khổng lồ có màu ánh bạc giảm độ cao và trôi chầm chậm qua các tòa nhà chọc trời. Khí cầu bay sát tòa nhà Empire State, đến nỗi hành khách có thể nhìn thấy những người bên trong cửa sổ các căn hộ dùng máy ảnh cố gắng ghi hình “con quái vật khổng lồ” đang bay ngang qua. Bên dưới, trên đại lộ Broadway và các đường phố lân cận, từng đám đông ngước mặt nhìn lên trời. Mặc dù rất căm thù chế độ Quốc xã và căm ghét Hitler, người dân Mỹ vẫn hân hoan mỉm cười chào đón điều kỳ diệu của kỹ thuật Đức.
Sau khi khuấy động cư dân New York bằng sự xuất hiện của “quái vật trên không” và đáp ứng lòng mong mỏi phù phiếm của họ, Max Proust lái chiếc Hindenburg đến bãi đáp Lakehurst tại một vùng ngoại ô của thành phố. Ở đó đã có hàng trăm người đang chờ đón thân nhân và bạn bè trở về (hoặc đi đến) từ châu Âu. Một trụ neo đặc biệt đã được dựng lên cho khí cầu, nhưng các cơn gió mạnh và một cơn giông chớm xuất hiện đã khiến việc đáp đỗ bị trì hoãn: sẽ rất nguy hiểm nếu neo khí cầu vào một cột kim loại khi trong không khí đã bắt đầu xuất hiện những tia sét. Thật đáng tiếc, do không lường hết những tình huống xấu nên các kỹ sư thiết kế trụ neo đã không lắp đặt cột thu lôi ở trụ neo Lakehurst. Do thời tiết xấu, khí cầu phải bay vòng quanh trên Lakehurst hơn một giờ. Cuối cùng, sau khi lượn một vòng số 8 bên trên bãi đáp và vẫn còn phải vật lộn với cơn mưa, khí cầu Hindenburg hạ sát đến gần cột neo. Những sợi dây neo đã được thả xuống và Hindenburg chỉ còn cách mặt đất chừng 20m. Trong số những người chờ đợi trên mặt đất có cả các nhà báo và phóng viên truyền thanh. Phóng viên Herb Morrison có nhiệm vụ tường thuật trực tiếp tới thính giả đài phát thanh Chicago về cuộc đón tiếp khí cầu Hindenburg. Anh phấn khích nói vào micro cho thính giả biết về hình dạng, kích thước của khí cầu Hindenburg, liên tục kèm theo những câu cảm thán đầy nhiệt tình, hào hứng, đại loại: “Thưa quý vị, nó đã đến gần, rất gần với cột neo! Ôi, thật là một cảnh tượng huy hoàng! Tiếng gầm của động cơ mới mạnh mẽ làm sao!”...
Đột nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra, khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Ban đầu là một tiếng nổ trầm đục, sau đó lửa bùng lên từ phía đuôi và chỉ trong vài giây đã trùm khắp khí cầu. Ngay tức khắc, khí cầu rơi xuống mặt đất theo phương thẳng đứng. Thảm kịch khủng khiếp này đã xảy ra quá đột ngột và diễn ra quá chóng vánh, khiến mọi người có mặt trên bãi đáp lúc đầu chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là một sự nhầm lẫn nào đó. Quả thực, tất cả đều ngớ người, chết lặng, không ai có thể tin vào mắt mình. Sau đó, đám đông trở nên nhốn nháo, hoảng loạn, bỏ chạy tứ tán, mỗi người cảm nhận sự cố này theo một kiểu khác nhau. Toàn bộ quả khí cầu khổng lồ đã cháy veo chỉ trong vòng bốn phút.
Bằng giọng nói gấp gáp, đứt quãng, thất thần, Morrison tiếp tục gào vào micro: “Lạy Chúa! Quả khí cầu phát nổ! Trời, nó cháy rực như một quả cầu lửa khổng lồ! Mọi người chạy ra xa, vâng, chạy rất xa! Một cảnh tượng khủng khiếp...! Tôi đang chứng kiến một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử! Ngọn lửa bốc cao ước chừng 150m...”.
Như đã nói ở trên, ngày 6/5/1937, khí cầu Hindenburg của Đức, chở 42 hành khách và 55 nhân viên phi hành đoàn, xuất phát từ Franfurt trước đó 3 ngày, đã lâm nạn tại Lakehurst, ngoại ô New York, Mỹ. Do thời tiết xấu, khí cầu phải bay vòng quanh trên bãi đáp Lakehurst hơn một giờ. Sau đó, khi hạ xuống gần điểm neo đậu, chỉ còn cách mặt đất chừng 20m, khí cầu Hindenburg bỗng dưng phát nổ. Lửa bao trùm toàn bộ và Hindenberg cháy rụi chỉ trong vòng 4 phút.
Xe cứu hỏa và xe cứu thương hú còi ầm ĩ, phóng nhanh đến gần quả khí cầu khổng lồ đang cháy rực. Trong những khoảnh khắc khủng khiếp này, bãi đáp Lakehurst trở thành một mớ hỗn độn các loại xe và người, chuyển động lung tung theo mọi hướng. Tình trạng lộn xộn trên sân bãi khiến cho công tác cứu hộ, cứu thương trở nên rất khó khăn, các bác sĩ và y tá phải chật vật lắm mới có thể lách qua được những dòng người hoảng loạn không biết phải chạy theo hướng nào.
62/97 người thoát chết
Diễn viên nhào lộn O’Loughlin, một trong những hành khách sống sót sau vụ tai nạn, về sau cho biết: “Chúng tôi đã bay lơ lửng trên bãi đáp và suy nghĩ về bất cứ điều gì nhưng không phải về khả năng xảy ra tai nạn. Lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan, với ý nghĩ rằng chỉ sau một vài phút nữa là tôi có thể ôm hôn những người thân yêu đang đón chờ bên dưới... Từ phòng sinh hoạt chung, tôi đi vào phòng mình để chuẩn bị mang hành lý ra, đột nhiên xuất hiện một tia sáng chói lòa và lửa trùm lên tất cả mọi thứ xung quanh. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy rằng mặt đất đang lao tới với tốc độ kinh hoàng. Khí cầu đang rơi tự do! Lửa cháy rừng rực khắp xung quanh. Trong những giây phút ấy, tôi không thể nghĩ đến bất cứ điều gì - đơn giản vì không có thời gian. Tôi nhảy ra ngoài cửa sổ và thật là đúng lúc, bởi vì hầu như chỉ một giây sau thôi, quả khí cầu chạm đất, gây nên một tiếng nổ long trời. Thật khủng khiếp! May mà tôi có nghề nhào lộn nên không hề hấn gì sau cú nhảy. Có ai đó chạy đến gần tôi hỏi han điều gì đó, nhưng tôi đang chết điếng vì sợ hãi, gần như bị cấm khẩu, không thể nói gì về sự việc đang xảy ra. Quả là một cơn ác mộng!”.
Trong số 97 người gồm hành khách và phi hành đoàn, có 62 nhân mạng - gần 2/3 - được cứu sống. May mắn thay, tại thời điểm xảy ra sự cố, hầu hết mọi người đều đang ở trong khu vực phần thân trước của khí cầu (vụ nổ xảy ra ở phần đuôi). Họ không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng độ dốc của thân khí cầu và tốc độ đáp xuống rất nhanh của nó đã khiến mọi người nhanh chóng nhận ra rằng trước mắt họ là tai họa. Ngay lập tức, hành khách và phi hành đoàn đã thể hiện phép lạ của trực giác và bản năng sinh tồn. Một hành khách khi nhận thấy mình bị kẹt trong đống đổ nát đang cháy đã nhanh tay đào bới lớp cát vốn được phủ dày trên bề mặt bãi đáp khí cầu và đã trở nên ướt mềm sau cơn mưa, rồi vùi mình vào đó.
Một bể chứa nước, được lắp đặt bên trên một phòng ngủ, bị vỡ. Nước chảy xối xả và dập tắt ngọn lửa ở gần đó. Một hành khách nhanh trí lao tới cho nước tưới đẫm khắp người, nhờ vậy không bị bỏng nặng. Còn có một yếu tố tình cờ may mắn: khí cầu đột ngột rơi tự do và va vào mặt đất đã khiến các chốt cửa bị bung ra và các cầu thang lên xuống cũng tự bật ra ngoài. Nhờ con đường này mà nhiều phụ nữ và trẻ em thoát nạn.
12 thành viên phi hành đoàn, trong đó có chỉ huy trưởng Max Proust đã bị những khung sườn nóng đỏ của thân khí cầu đang cháy ép xuống mặt đất. Dù bị bỏng nặng, họ vẫn cố gắng thoát ra khỏi đống bùng nhùng đang rực cháy. Thuyền trưởng Max Proust bị thương rất nặng. Ernst Lehmann nhảy ra khỏi khí cầu như một bó đuốc cháy, ngày hôm sau ông qua đời trong bệnh viện.
Một tiếp viên dù đã thoát chết vẫn cố gắng chạy vào đám cháy để cứu... thùng kim loại đựng tiền. Nhưng về sau, khi chiếc thùng này được mở tại văn phòng của Công ty Zeppelin, người ta mới thấy rằng số tiền giấy Đức ở trong đó đã biến thành tro than.
Ngay ngày hôm sau, trong một rạp chiếu bóng của New York, người ta đã trình chiếu cuốn phim về vụ tai nạn của khí cầu Hindenburg, do 5 nhà quay phim thực hiện ngay tại hiện trường (các tay máy này vốn có nhiệm vụ ghi hình quang cảnh “hạ cánh” hoành tráng của Hindenburg). Các cảnh quay được bắt đầu ngay khi chiếc khí cầu bay đền gần cột neo, do đó cuốn phim đã phản ánh thảm họa từ những giây phút đầu tiên. Cuốn phim thực sự gây một ấn tượng đau đớn cho khán giả. Tiếng la thét sợ hãi không ít lần vang lên trong phòng chiếu, một số phụ nữ bị ngất xỉu. Cuốn phim này, cũng như nhiều bức ảnh do các nhân chứng chụp được, sau đó được Ủy ban điều tra đặc biệt liên quốc gia sử dụng để điều tra nguyên nhân cái chết của “phép màu công nghệ hàng không Đức”. Cho đến ngày nay đã có rất nhiều cuốn phim (cả tài liệu lẫn nghệ thuật) nói về thảm kịch Hindenberg, dựa trên những thước phim, hình ảnh do người đưa tiễn, người đón thực hiện và hành khách quay được trong chuyến đi, cũng như các tài liệu lưu trữ hay lời kể của người trong cuộc và nhân chứng. Nhiều cuộc phỏng vấn các nạn nhân của thảm kịch này được ghi hình, thu âm tại nhiều thời điểm khác nhau, đã được đưa lên mạng Internet. Một số cụ già nạn nhân còn mang theo “vết sẹo Hindenburg” (cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đến tận ngày nay.
Phóng viên Morrison (của Đài phát thanh Chicago) đã nghẹn ngào kết thúc bài tường thuật của mình như sau: “Ôi Chúa ơi! Những hành khách mới khốn khổ làm sao! Thưa quý vị, tôi không thể nói gì hơn... Trước mặt tôi là một đống hỗn độn đang bốc khói... Dường như Trái đất này đang cháy. Tôi xin lỗi vì buộc phải cắt ngang ở đây. Mà giọng tôi đã run lắm rồi, tôi không thể nói gì được nữa. Tôi phải tham gia cứu hộ...”.
Nguyên nhân gây thảm họa
Thảm họa của khí cầu Hindenburg đã bao trùm lên toàn bộ nước Đức một bầu không khí đau buồn và thất vọng. Càng đau buồn hơn nữa khi sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế rất chi thưa thớt (cần biết rằng, lúc đó, chủ nghĩa phát xít do Hitler khởi xướng đang manh nha hoành hành ở châu Âu, khiến cả thế giới lo ngại). Tất cả các tờ báo và tạp chí Đức đều dành toàn bộ trang bài cho thảm họa này. Suốt một thời gian dài, theo các văn bản chính thức, nguyên nhân của thảm kịch được cho là do khí hydro bắt lửa. Người ta cho rằng nếu khí cầu được nâng bằng khí heli thay vì hydro, thảm họa hẳn đã không xảy ra. Nhưng người Đức không thể sử dụng heli vì chỉ được sản xuất tại Mỹ, mà người Đức lại không thể mua nó từ người Mỹ vì những lý do chính trị (như đã nói) và tài chính (heli đắt hơn nhiều so với hydro). Ngoài ra, ở thời điểm đó, không chỉ heli mà bất cứ thứ gì người Mỹ cũng không bán cho chế độ Đức Quốc xã.
Vào năm 1972, nhà báo M. Mooney cho ra mắt cuốn sách Hindenburg, với nội dung hoàn toàn bác bỏ các phiên bản chính thức. Sau khi nghiên cứu cẩn thận các tài liệu lưu trữ của Đức và Mỹ, tác giả đã đi đến kết luận rằng khí cầu Hindenburg phát nổ do hành động phá hoại. Theo tác giả thì Erich Cshphel, một trong những thành viên phi hành đoàn, do bất mãn với chế độ Hitler, đã đặt bom phốt pho trong khoang máy của khí cầu. Về nguyên tắc, phốt pho sẽ phát cháy khi độ ẩm môi trường xung quanh đạt trị số cần thiết. Nhưng suốt thời gian chuyến bay này của khí cầu Hindenburg, thời tiết lại hoàn toàn khô ráo (trừ thời điểm cuối, khi đến gần bãi đáp). Giả sử trong 3 ngày Hindenburg bay trên Đại Tây Dương có xảy ra mưa to gió lớn thì hẳn quả bom phốt pho nọ (nếu có thực) đã phát cháy khiến khí cầu đâm đầu xuống biển và mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng khác. Cũng giả sử ở thời điểm cuối không xảy ra giông nhiệt gây mưa to thì hẳn mọi chuyện đã đâu vào đấy. Nhưng vào ngày 6/5/1937, ở ngoại ô New York đã diễn ra một cơn mưa định mệnh...
Các chuyên gia sẽ còn phải điều tra lâu dài nguyên nhân của thảm kịch này, nhưng kể từ đó, Công ty Zeppelin phải đóng cửa vĩnh viễn. Cũng kể từ đó, việc sử dụng hydro cho các loại khí cầu bị cấm vĩnh viễn. Nói chung, việc thiết kế, chế tạo khí cầu chở khách khổng lồ đã đi vào quên lãng bởi bi kịch Hindenburg khiến nhân loại vô cùng sợ hãi.
Một số hình ảnh:
Những công đoạn hoàn thiện cuối cùng của khinh khí cầu A/S Hidenburg tại xưởng sản xuất ở Friedrichshafen. Với kích thước khổng lồ, dài 245m, đường kính 41,2m, những người công nhân trông thật nhỏ bé khi sánh vai cùng con tàu khổng lồ.
Hình ảnh khung xương bằng thép LZ 129 trong quá trình sản xuất khinh khí cầu tại nhà máy Friedrichshafen. Sau này nó được đặt theo tên Tổng thống Đức - Marchal Paul von Hindenburg và trở thành niềm tự hào của nước Đức. Nó được xây dựng năm 1931, vài năm trước khi Hitler được bầu là Quốc trưởng.
Tính đến trước khi thảm họa xảy ra, Hindenburg đã thực hiện thành công 17 chuyến đi vượt Đại Tây Dương, vận chuyển hơn 2.600 hành khách và đạt vận tốc 135km/h.
Các nhân viên mặt đất bao quanh khí cầu Hindenburg khi nó chuẩn bị khởi hành tiến về căn cứ Hải quân Mỹ - Lakehurst, New Jersey trước lúc trở về nước Đức.
Hidenburg còn hơn cả một phương tiện giao thông, đó gần như là một khách sạn xa hoa với những phòng ăn, phòng tắm tiện nghi sang trọng. Trên đây là cảnh một phòng ăn trên khinh khí cầu.
Con tàu xa hoa chỉ được dành riêng cho những thương gia giàu có và tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Cận cảnh các hành khách giàu có đang ăn tối thịnh soạn trong phòng ăn tháng 4/1936.
Từ trong khinh khí cầu, các hành khách VIP có thể mở cửa sổ và ngắm nhìn quang cảnh mọi thứ từ trên cao. Đây là một điểm thú vị của việc du lịch trên không bằng khinh khí cầu.
Khí cầu được “mạ vàng” một lớp dạ dày bò để ngăn tia đánh lửa khỏi hệ thống khí hydro. Phần còn lại được trang hoàng thiết kế cực kỳ cao sang, gồm nhà bếp đầy đủ tiện nghi như các nhà hàng lớn trên mặt đất.
Bức ảnh chụp khí cầu Hindenburg bay qua Boston, Massachusetts năm 1936. Kể từ khi ra đời cho tới trước thảm kịch, Hindenburg đã góp công lớn tạo nên một kỷ nguyên hoàng kim cho việc du lịch trên không bằng khí cầu lúc bấy giờ.
Khinh khí cầu khổng lồ trông như một điếu xì gà, hạ cánh tại Lakehurst tháng 5/1936. Trên thân tàu còn gắn cả hình ảnh 5 vòng tròn Olympic nhằm quảng bá cho Thế vận hội mùa hè Berlin cùng năm.
Hindenburg được coi là cầu nối giữa Đức và Mỹ. Đây là bức hình chụp cảnh khinh khí cầu khổng lồ bay ngang qua tòa nhà Empire State và Manhattan ngày 8/8/1936, trên đường tới Lakehurst.
Hindenburg đang bình yên theo lộ trình bay qua Manhattan, New York (Mỹ) ngày 6/5/1937, chỉ vài giờ trước khi thảm kịch ập xuống.
Khinh khí cầu trên đường hạ cánh xuống trung tâm Hải quân Mỹ ở Lakehurst, ngay trước khi bốc cháy. Theo tư liệu, Hindenburg đã buộc phải hạ cánh xuống vì lo sợ nguy cơ một cơn dông ập tới.
Khi còn cách mặt đất khoảng 200feet (khoảng 60m), khinh khí cầu bỗng nhiên bốc cháy dữ dội từ phía đuôi. Khi ấy là khoảng 7h25’ (giờ địa phương).
Một vụ nổ lớn diễn ra ngay trên không trung. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc giữa tiếng nổ thứ hai và thứ ba của khí cầu trước khi nó rơi xuống đất. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một phút.
Lửa bắt đầu cháy từ đuôi Hindenburg và lan thẳng tới đầu tàu một cách nhanh chóng do khí hydro nổ. Chiếc đuôi bốc cháy, tàu mất cân bằng và đâm xuống đất. Mọi người đứng gần đó bỏ chạy tán loạn.
Bức ảnh động mô tả lại cảnh khinh khí cầu tiếp đất. Khung xương LZ 129 bị thiêu rụi còn những hành khách cố hết sức để thoát thân.
Ở góc phải của bức ảnh, bên cạnh chiếc khung của Hindenburg trong lửa, trong gang tấc, có một bóng người đang cố chạy thoát ra khỏi thảm kịch. Gần như ngay lập tức, những nhân viên cứu hộ được huy động đến hiện trường.
Xác khinh khí cầu Hindenburg nhìn từ xa sau vụ cháy: không còn gì nhiều ngoài một số phần còn lại của cấu trúc xương vụn nát trong làn khói đen vẫn bốc lên ngùn ngụt.
Một phụ nữ không rõ tên tuổi - hành khách trên khí cầu xấu số được các nhân viên mặt đất đưa đi trong tình trạng hoang mang ngay sau khi con tàu “thiệt mạng”.
Ngay sau khi thảm họa khinh khí cầu rơi 2 ngày, một đoàn chuyên gia của quân đội Mỹ được cử tới để điều tra hiện trường. Rất nhiều nguyên nhân gây ra vụ cháy trên tàu đã được đề cập tới.
Công tác thu nhặt những vật dụng còn sót lại bên trong khinh khí cầu được tiến hành ngay sau thảm họa bởi những nhân viên mặt đất.
Cuộc điều tra diễn ra trong tháng 5 tại cánh đồng Lakehurst, nơi khí cầu rơi xuống. Trên đây là cận cảnh bên trong Hindenburg sau thảm họa. Cấu trúc xương LZ 129 về cơ bản vẫn còn khá chắc chắn ngoài việc nó bị méo mó và xỉn đi trong lửa.
Toàn cảnh xác khinh khí cầu Hindenburg in một vết đen khổng lồ tại cánh đồng Lakehurst, gần trung tâm Hải - Không quân Hoa Kỳ, bang New Jersey. Bức ảnh được chụp ngày 7/5/1937.